Lượt xem: 371

Nông dân Sóc Trăng nỗ lực bảo vệ năng suất lúa Hè Thu

Để tránh thiệt hại năng suất lúa Hè Thu khi thường thu hoạch rộ vào cao điểm mùa mưa bão (tức tháng 8 âm lịch hàng năm), ngay từ đầu vụ Hè Thu năm nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Sóc Trăng đã bố trí khung lịch thời vụ, khuyến cáo các địa phương xuống giống sớm hơn từ nửa tháng so với cùng kỳ. Tuy vậy, mưa đến sớm với lưu lượng lớn trong những tuần qua đã khiến gần 1.000 ha lúa bị ngập úng, một số diện tích đã ghi nhận thiệt hại về năng suất.

 


Khẩn trương thu hoạch tránh ảnh hưởng năng suất

 

    Tuân thủ đúng khung lịch thời vụ đã được khuyến cáo, ngay từ đầu tháng Năm, thị xã Ngã Năm đã xuống giống dứt điểm vụ lúa Hè Thu năm 2022 với diện tích 18.500 ha. Nhờ thời tiết đầu vụ thuận lợi, lúa sinh trưởng khá tốt, hạn chế sâu bệnh tấn công. Tuy vậy, hơn một tuần qua, mưa dầm kéo dài kèm theo dông lốc khiến nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ chín rơi vào tình trạng ngập úng cục bộ. Tại hầu hết các cánh đồng, máy bơm đang được vận hành liên tục với hy vọng hạn chế được phần nào diện tích thiệt hại. Mặc dù đã nhận được tiền cọc lúa từ thương lái, nhưng nhiều nông dân vẫn trong tình trạng bất an trước nguy cơ thương lái bỏ cọc, khi chất lượng lúa ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương và nông dân trồng lúa đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn năng suất lúa trong điều kiện thời tiết được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp trong vài tuần tới. Ông Nguyễn Văn Can, nông dân ở ấp Mỹ Hiệp, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm lo lắng: “Lúc đầu thời tiết khá thuận lợi, sâu bệnh cũng ít, nhưng gần đây trời cứ mưa hoài nên lúa gần chín bị ngập nước. Tôi đã nhận cọc rồi mà giờ chưa cắt được nên thương lái chưa tới lấy. Tình trạng ngập úng kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Đặt máy bơm 3,4 ngày rồi mà còn chưa rút nước được”.

    Toàn thị xã Ngã Năm hiện có 15.000 ha lúa đang trong giai đoạn trổ chín, phần lớn diện tích hiện đã có thể thu hoạch. Theo nhiều nông dân, nếu không xảy ra tình trạng ngập úng hay đổ ngã, năng suất lúa vụ này ước đạt từ 700 đến 800 kg/công. Bên cạnh nỗ lực “cứu lúa” của nông dân, thị xã Ngã Năm hiện đã cho vận hành toàn bộ hệ thống trạm bơm, đồng thời liên hệ máy gặt đập liên hợp để tiến hành thu hoạch ngay tại những ruộng đã rút nước theo phương châm “nước rút đến đâu thu hoạch nhanh đến đó”. Đồng chí Lư Tấn Hòa - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Năm cho biết thêm: “Hiện nay địa phương đang phát huy các trạm bơm, làm sao để kịp thời rút nước ra trong thời điểm lúa của bà con đang chuẩn bị thu hoạch. Bên cạnh đó, đối với những diện tích chuẩn bị thu hoạch, đơn vị cũng liên hệ với địa phương rà soát lại các máy gặt đập liên hợp, giúp bà con thu hoạch được thuận lợi trong vụ Hè Thu năm nay”.

    Vụ Hè Thu năm nay, Sóc Trăng xuống giống được 139.000 ha. Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 ha lúa bị ngập úng, diện tích lúa bị đổ ngã với mức độ ảnh hưởng từ 30% trở lên là gần 300 ha. Bên cạnh việc khẩn trương thu hoạch để “chạy đua cùng thời tiết” ở những diện tích đã đạt đủ độ chín, tại các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng, nhiều giải pháp để lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã vẫn đang được nhiều nông dân nỗ lực thực hiện để bảo vệ năng suất lúa trước điều kiện thời tiết bất lợi thường gặp trong vụ Hè Thu.

    Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7%, trong đó khu vực I ước đạt giá trị 16.737 tỷ đồng và vượt 2,4% so kế hoạch. Theo cơ cấu trên, ngoài thủy sản, trà lúa Hè Thu cần đạt sản lượng trên 800.000 tấn đối với 139.000 ha đã xuống giống. Để hoàn thành mục tiêu đề ra theo kế hoạch chung của tỉnh, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phù hợp với các giai đoạn phát triển khác nhau của cây lúa trong điều kiện mưa bão nhằm đạt năng suất thu hoạch tối ưu nhất. Đồng chí Nguyễn Thành Phước – Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: “Hiện tượng mưa dầm kéo dài khiến tiến độ thu hoạch diễn ra rất khó khăn. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo nông dân trà lúa nào đã đến ngày thu hoạch cần khẩn trương tháo nước, bơm tát cạn đến đâu tiến hành thu hoạch ngay để tránh ảnh hưởng của các đợt mưa kế tiếp. Riêng những vùng lúa đang làm đòng hoặc đã trổ cong trái me, chúng ta nên giữ mực nước tương đối để lúa không đổ ngã, bà con không nên rút nước quá cạn, vì giai đoạn này nếu rút nước quá cạn bộ rễ sẽ yếu đi, cây lúa mềm, với sức nặng của bông lúa sẽ dễ đổ hơn. Chúng ta cũng cần gia tăng các khoáng chất cho lúa như canxi, magiê, kali để tăng thêm sức chống chịu cho cây lúa”.


Lúa bị ngập úng

 

    Hạn, mặn rồi đến mưa dầm, đó là “điệp khúc” mà người nông dân luôn phải đối mặt trước diễn biến cực đoan của thời tiết, khí hậu. Trong giai đoạn khó khăn về tình hình thời tiết và giá vật tư đầu vào tăng cao, nỗ lực bảo toàn năng suất lúa đến giai đoạn thu hoạch là những gì mà người nông dân Sóc Trăng có thể làm để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất trong một vụ lúa mang nhiều “may rủi” như vụ Hè Thu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 73
  • Hôm nay: 7643
  • Trong tuần: 78,351
  • Tất cả: 11,801,671